Họ tên của bạn quả thực tiết lộ nhiều điều về bạn?

Con người và máy tính có thể khớp (dự đoán) khuôn mặt với tên người sở hữu nó với tỷ lệ thành công đáng kinh ngạc.

Một số điểm chính:

  • Nghiên cứu cho thấy rằng mọi người có những đánh giá khuôn mẫu (định kiến) về người khác dựa trên họ tên của họ.
  • Theo như nghiên cứu gợi ý, họ tên có thể tiết lộ giá trị văn hóa cũng như sự thay đổi về văn hóa.
  • Họ tên của chúng ta có thể ảnh hưởng đến tính cách của chúng ta.
  • Họ tên cũng có thể ảnh hưởng đến những quyết định quan trọng trong cuộc sống, mặc dù kết luận này vẫn còn gây ra nhiều tranh cãi.

Tên của bạn là gì? Đó là một câu hỏi phổ biến mà chúng ta có thể phải trả lời hàng trăm hay thậm chí hàng nghìn lần trong cuộc đời. Ngoài việc giúp giảm sự ngượng ngùng trong giao tiếp xã hội và cung cấp cho chúng ta một cách đơn giản để nhớ thông tin về người khác, tên cũng có thể tiết lộ nhiều thứ hơn những gì bạn có thể tưởng tượng về tâm lý con người.

Tên như một dạng định kiến, khuôn mẫu (stereotypes)

Kiểu người nào xuất hiện trong tâm trí bạn khi nghĩ về một người tên là Elizabeth? Còn một người tên là Misty thì sao? Theo 400 người tham gia khảo sát ở Mỹ, những người tên là “Elizabeth” thường có sự ấm áp và năng lực cao, trong khi những người tên là “Misty” có điểm số thấp ở cả hai đặc điểm tích cực này. Tên “Rileys” được nhìn nhận là ấm áp nhưng không có năng lực, và “Ruths” được nhìn nhận là có năng lực nhưng lại không ấm áp (Newman et al., 2018; 2022).

[Bình luận không có trong nội dung gốc. Để dễ hiểu thực nghiệm trên trong bối cảnh văn hóa Việt, bạn hãy thử tưởng tượng xem những tên sau gợi ra điều gì: Cường, Huy, Vượng, Hương, Điệp, Gấm, Trúc, Thảo.]

Các nghiên cứu khác cho thấy rằng chúng ta sử dụng họ tên để suy luận thông tin, thường là định kiến, về chủng tộc và tầng lớp xã hội của người khác. Trong một loạt thí nghiệm với hàng ngàn người tham gia, Crabtree và các đồng nghiệp (2022) đã chỉ ra rằng người tham gia thường đoán rằng những người có tên phổ biến hơn ở người Mỹ gốc Âu, như “Mary,” có trình độ học vấn và thu nhập cao hơn so với những người với tên như “Lakisha” – dạng tên phổ biến hơn ở người Mỹ gốc Phi.

Tính trên trung bình, những tên phổ biến hơn ở người Mỹ gốc Latinh được liên kết với mức thu nhập và trình độ học vấn thấp nhất. Ngược lại, những tên phổ biến hơn ở người Mỹ gốc Á được liên kết với mức trình độ học vấn cao nhất và mức thu nhập tương đương với những người có tên phổ biến ở người Mỹ gốc Âu.

[Bình luận không có trong nội dung gốc: Giờ chúng ta hãy làm phép thử sau với chính mình. Khi nhìn những họ tên sau bạn có ý nghĩ nào liên quan đến thu nhập, học vấn của họ hay không: “Nguyễn Thị Tươi”, “Trần Văn Sáng”, “Lò Văn Sắn”, “Trần Quang Huy”, “Lê Cẩm Tú Hân”, “Vũ Xuân Trường”.]

Tên và văn hóa

Tên có thể cho chúng ta biết điều gì đó về văn hóa, và chúng đã được sử dụng trong nhiều nghiên cứu để truy tìm sự biến đổi về giá trị và thay đổi văn hóa theo thời gian. Một số nhà nghiên cứu cho rằng việc lựa chọn một tên khá phổ biến hay không phổ biến có thể chỉ ra sự ưa thích cho tính độc đáo (uniqueness) hay tuân thủ (conformity) – về cơ bản, đó là một cách để giúp con của bạn hòa nhập hoặc nổi bật hơn.

Và thực tế là ở những nơi trên thế giới, nơi mà đặc tính cá nhân chủ nghĩa cao hơn, tỷ lệ trẻ em nhận được những tên hiếm gặp cũng cao hơn (Ogihara, 2023; Varnum & Kitayama, 2011; 2022).

Sự khác biệt vùng miền trong việc đặt tên cũng cho thấy rằng sự ưa thích cho tính không tuân thủ mạnh hơn ở những nơi của Mỹ, mà gần đây hơn là biên giới, có thể phản ánh sự tự lựa chọn lịch sử và đương đại trong việc di cư đến những khu vực này (Varnum & Kitayama, 2011). Phù hợp với ý tưởng đó, một phân tích về hồ sơ điều tra dân số và di cư của Scandinavia cho thấy rằng những người có tên ít phổ biến hơn có nhiều khả năng di cư hơn trong lịch sử (Knudsen, 2019).

Sự thay đổi trong việc đặt tên cũng có thể là dấu hiệu cho sự thay đổi về giá trị văn hóa theo thời gian. Tỷ lệ trẻ sơ sinh nhận được tên phổ biến thực sự đã giảm mạnh trong hai thế kỷ qua ở Mỹ (Twenge et al., 2010; Grossmann & Varnum, 2015) và trong vài thập kỷ qua ở Nhật Bản (Ogihara & Ito, 2022), những sự thay đổi này phù hợp với các bằng chứng khác về sự tăng lên của chủ nghĩa cá nhân trong những xã hội này theo thời gian (Hamamura, 2012; Santos, Varnum, & Grossmann, 2017).

Không chỉ phản ánh sự ưa thích tuân thủ hoặc không tuân thủ, tên cũng có thể liên quan đến những gì được biết đến như văn hóa danh dự, một tập hợp các quy tắc và giá trị phổ biến ở miền Nam nước Mỹ nhấn mạnh tầm quan trọng của danh tiếng và việc bảo vệ danh tiếng thông qua sự gây gổ (Nisbett, 2018).

Một phân tích về tên phổ biến của Brown và đồng nghiệp (2014) gợi ý rằng tên con ở dạng biến thể của tên cha (còn gọi là “patronymic names”, việc này được thực hiện bằng cách sử dụng tên cha và thêm một hậu tố mang nghĩa “con của” hoặc “con trai của” vào) phổ biến hơn ở những bang nơi văn hóa danh dự thống trị hơn. Trong một nghiên cứu khác, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những người đàn ông thực sự ủng hộ giá trị danh dự báo cáo có sự ưa thích nhiều hơn cho việc đặt cho bất kỳ con trẻ nào họ có thể sinh ra bằng tên đầu tiên của chính mình (first name / tên chính).

Tên của chúng ta là số phận của chúng ta?

Thật thú vị, các nghiên cứu gần đây cho thấy chúng ta có thể trông giống như tên của mình. Khi được yêu cầu đoán xem trong số một vài tên nào tương ứng với bức ảnh khuôn mặt của một người, một người lạ và máy tính đã có thể làm được điều này với tỷ lệ cao hơn cơ hội ngẫu nhiên thuần túy (Zwebner et al., 2017), một hiện tượng mà các nhà nghiên cứu đề xuất có thể do một kiểu lời tiên tri tự thực hiện (self-fulfilling prophecy).

Tên của chúng ta cũng có thể ảnh hưởng đến nơi chúng ta sống và kiểu nghề nghiệp chúng ta theo đuổi. Trong một loạt nghiên cứu, Pelham và đồng nghiệp (2002) đã phát hiện ra rằng phụ nữ có tên là Virginia, khi so với Mildred, có khả năng sống ở Virginia Beach hơn. Ngược lại, những người có tên “Mildred” có khả năng sống ở Milwaukee hơn so với những người có tên “Virginia”.

Các nhà nghiên cứu cũng phát hiện ra rằng những người có tên “Dennis” có khả năng trở thành nha sĩ hơn. Kết quả như vậy cho thấy tên của chúng ta có thể hình thành những quyết định quan trọng trong cuộc sống thông qua điều mà các nhà nghiên cứu gọi là “tự tôn ngầm ẩn / implicit egotism”.

Những phát hiện này khá nổi tiếng – tuy nhiên, các nghiên cứu tái tạo và phân tích lại bởi Simonsohn (2011) đã gây ra sự hoài nghi về việc thực sự có phải tên đang tạo ra những hiệu ứng này hay không? Ví dụ, mặc dù những người có tên “Dennis” có khả năng trở thành nha sĩ hơn so với “Walter”, họ cũng có khả năng trở thành luật sư hơn so với “Walter”.

Simonsohn cho rằng những phát hiện trên là hệ quả của hiệu ứng tần suất (mức độ phổ biến) của tên hơn là chủ nghĩa tự tôn ngầm ẩn. Tuy nhiên, trong công trình sau này, Pelham và Mauricio (2014) đã tìm thấy sự hỗ trợ mạnh mẽ hơn cho ý tưởng rằng họ của chúng ta có thể ảnh hưởng đến lựa chọn công việc, ví dụ người mang họ “Carpenters” có khả năng trở thành thợ mộc hơn. [Chú thích ngoài bản gốc: Trong tiếng Anh, từ carpenters có nghĩa là thợ mộc, rất nhiều họ trong tiếng Anh là để chỉ một nghề nghiệp nào đó.]

Tên không phải là một biến số thông thường trong khoa học tâm lý, và hầu hết các sách phổ biến về họ tên không có nhiều hàm lượng khoa học trong đó. Tuy nhiên, việc nghiên cứu về tên có thể cung cấp những cái nhìn quý giá vào các hiện tượng, từ sự thay đổi văn hóa đến các định kiến. Tên của chúng ta cũng có thể là những dấu hiệu hình thành không chỉ sự nhận thức của người khác về chúng ta mà còn cả tính cách và (có thể) bao gồm lựa chọn của chúng ta về nơi sống và công việc làm ăn.

(Bài tiếng Anh gốc: 3 Things Your Name Might Reveal About của tác giả Michael E. W. Varnum, trên website Psychology Today)

Tài liệu tham khảo:

  • Brown, R. P., Carvallo, M., & Imura, M. (2014). Naming patterns reveal cultural values: Patronyms, matronyms, and the US culture of honor. Personality and Social Psychology Bulletin, 40(2), 250-262.
  • Crabtree, C., Gaddis, S. M., Holbein, J. B., & Larsen, E. N. (2022). Racially distinctive names signal both race/ethnicity and social class. Sociological Science9, 454-472.
  • Hamamura, T. (2012). Are cultures becoming individualistic? A cross-temporal comparison of individualism–collectivism in the United States and Japan. Personality and social psychology Review16(1), 3-24.
  • Knudsen, A. S. B. (2019). Those who stayed: Individualism, self-selection and cultural change during the age of mass migration. SSRN. http://dx.doi.org/10.2139/ssrn.3321790
  • Newman, L. S., Tan, M., Caldwell, T. L., Duff, K. J., & Winer, E. S. (2018). Name norms: A guide to casting your next experiment. Personality and Social Psychology Bulletin44(10), 1435-1448.
  • Newman, L. S., Tan, M., Caldwell, T. L., Duff, K. J., & Winer, E. S. (2022). ” Name norms: A guide to casting your next experiment”: Corrigendum. Personality and Social Psychology Bulletin, 48(2), 328.
  • Nisbett, R. E. (2018). Culture of honor: The psychology of violence in the South. Routledge.
  • Ogihara, Y. (2023). Popular names are given less frequently to babies in individualistic countries: Further validation of unique names as an indicator of individualism. Current Research in Behavioral Sciences4, 100094.
  • Ogihara, Y., & Ito, A. (2022). Unique names increased in Japan over 40 years: baby names published in municipality newsletters show a rise in individualism, 1979-2018. Current Research in Ecological and Social Psychology3, 100046.
  • Pelham, B. W., Mirenberg, M. C., & Jones, J. T. (2002). Why Susie sells seashells by the seashore: implicit egotism and major life decisions. Journal of Personality and Social Psychology82(4), 469-487.
  • Pelham, B., & Mauricio, C. (2015). When Tex and Tess Carpenter build houses in Texas: Moderators of implicit egotism. Self and Identity, 14(6), 692-723.
  • Santos, H. C., Varnum, M. E., & Grossmann, I. (2017). Global increases in individualism. Psychological Science28(9), 1228-1239.
  • Simonsohn, U. (2011). Spurious? Name similarity effects (implicit egotism) in marriage, job, and moving decisions. Journal of Personality and Social Psychology, 101(1), 1–24.
  • Twenge, J. M., Abebe, E. M., & Campbell, W. K. (2010). Fitting in or standing Out: Trends in American parents’ choices for children’s names, 1880–2007. Social Psychological and Personality Science1(1), 19-25.
  • Varnum, M. E., & Kitayama, S. (2011). What’s in a name? Popular names are less common on frontiers. Psychological Science22(2), 176-183.
  • Varnum, M. E. W., & Kitayama, S. (2022). “What’s in a name? Popular names are less common on frontiers”: Corrigendum. Psychological Science, 33(6), 1020-1021.
  • Zwebner, Y., Sellier, A. L., Rosenfeld, N., Goldenberg, J., & Mayo, R. (2017). We look like our names: The manifestation of name stereotypes in facial appearance. Journal of Personality and Social Psychology112(4), 527-554.

Ghi chú: tài liệu dịch, có thể có bản quyền.