Năm 1948, hai giáo sư tại Đại học Harvard đã công bố một nghiên cứu về ba nghìn ba trăm nam sinh viên vừa tốt nghiệp, xem xét liệu tên của họ có ảnh hưởng gì đến thành tích học tập của họ hay không? Nghiên cứu phát hiện ra rằng, những người có tên lạ, khác thường có khả năng bị thất bại trong học tập hoặc biểu hiện các triệu chứng về rối loạn tâm lý nhiều hơn so với những người có tên phổ biến hơn. Những người tên là Mike nhìn chung ổn thỏa, nhưng những người tên Berrien lại gặp rắc rối. Các giáo sư suy đoán rằng, một cái tên hiếm hoi có thể tạo ra tác động tâm lý tiêu cực đối với người mang nó.
Kể từ đó, các nhà nghiên cứu đã tiếp tục tìm hiểu về ảnh hưởng của tên (the effects of names), và trong những thập kỷ sau nghiên cứu năm 1948, những phát hiện này đã được lặp lại, tái tạo rộng rãi hơn. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy rằng tên có thể ảnh hưởng đến sự lựa chọn nghề nghiệp, nơi chúng ta sinh sống, người chúng ta kết hôn, điểm số chúng ta đạt được, cổ phiếu chúng ta đầu tư vào, và liệu chúng ta có được chấp nhận vào một trường học hay được thuê cho một công việc cụ thể hay không, cũng như chất lượng công việc của chúng ta trong một môi trường làm việc nhóm.
Tên của chúng ta thậm chí có thể quyết định liệu chúng ta có tặng tiền cho nạn nhân trong thảm họa hay không: nếu chúng ta có cùng một chữ cái đầu với tên của một cơn bão nào đó, thì theo một nghiên cứu chúng ta sẽ có nhiều khả năng hơn nhiều thực hiện việc quyên góp cho quỹ cứu trợ sau khi nó tràn qua và gây tổn thất.
Phần lớn sự ảnh hưởng rõ ràng của tên lên hành vi đã được quy cho hiệu ứng tự tôn ngầm (implicit-egotism effect): chúng ta thường bị thu hút bởi những thứ và con người giống chúng ta nhất. Bởi vì chúng ta đánh giá cao và tự xác định bản thân theo tên và chữ cái đầu của mình, do đó theo lý thuyết, chúng ta thích những thứ có điểm chung với tên của mình. Ví dụ, nếu tôi đang lựa chọn giữa hai thương hiệu xe hơi, và khi tất cả mọi thứ đều như nhau, tôi sẽ ưu tiên Mazda hoặc Kia (tên tác giả gốc của bài này là Maria Konnikova).
Tuy nhiên quan điểm trên có thể không vượt qua được các cuộc kiểm tra kỹ lưỡng hơn. Nhà tâm lý học Uri Simonsohn, từ Đại học Pennsylvania, đã đặt nhiều câu hỏi về “các nghiên cứu có mục đích chứng minh về hiệu ứng tự tôn ngầm”, tranh luận rằng những phát hiện đó chỉ là những sự may rủi về thống kê phát sinh từ phương pháp nghiên cứu kém. “Nó giống như một ảo thuật gia,” Simonsohn nói với tôi. “Anh ta cho bạn xem một trò ảo thuật, và bạn nói, ‘Tôi biết nó không thật, nhưng anh ta đã thực hiện nó như thế nào?’ Tất cả đều nằm ở phương pháp.”
Một vấn đề mà ông chỉ ra trong một số nghiên cứu này là sự thiếu hiểu biết về tỷ lệ cơ bản – tức tần suất tổng thể mà một thứ gì đó, chẳng hạn như một cái tên xuất hiện trong quần thể dân số rộng lớn. Có thể thú vị khi nghĩ rằng một người tên là Dan sẽ thích làm bác sĩ, nhưng chúng ta phải hỏi liệu việc có quá nhiều bác sĩ tên Dan chẳng qua chỉ đơn giản là vì Dan là một tên phổ biến, nên nó sẽ xuất hiện rộng rãi trong nhiều ngành nghề hay không? Nếu đúng như vậy, hiệu ứng tự tôn ngầm không còn chính xác nữa.
[Bổ sung ngoài bản gốc: bạn có thể hiểu ví dụ trên thế này, chẳng hạn một nghiên cứu nào đó nói rằng những ai tên “Quân” sẽ dễ làm trong ngành quân đội hơn, khi một thống kê cho thấy cứ 100 người trong ngành thì có 2 người tên là Quân, trong khi tỷ lệ cho nhiều tên khác thấp hơn. Tuy nhiên nếu các ngành khác như tài xế, bác sĩ cũng tìm thấy tỷ lệ tương tự khoảng 2% người tên Quân thì chúng ta không có đủ cơ sở để nói rằng nam giới tên “Quân” sẽ có xu hướng cao làm ngành quân đội.]
Cũng có nhà nghiên cứu đã đánh giá một cách cẩn trọng hơn về mối liên kết giữa tên và các thành quả đạt được trong cuộc sống. Năm 1984, nhà tâm lý học Debra Crisp và các đồng nghiệp của mình phát hiện rằng mặc dù những tên phổ biến hơn được yêu thích hơn, chúng không có ảnh hưởng đến thành tích học thuật của một người.
Năm 2012, các nhà tâm lý học Hui Bai và Kathleen Briggs kết luận rằng “chữ cái đầu tiên của tên tối đa chỉ là một sự gợi ý vô thức rất hạn chế, nếu nó có.” Mặc dù tên của một người có thể ảnh hưởng vô thức đến tư duy của họ, nhưng ảnh hưởng của nó đến quyết định là hạn chế. Các nghiên cứu theo dõi (follow-up studies) cũng đã đặt câu hỏi ngờ vực về mối liên kết giữa tên và tuổi thọ, lựa chọn nghề nghiệp và thành công, nơi chốn và hôn nhân, cũng như thành tích học tập có đáng tin cậy hay không?
Tuy nhiên, có khả năng là không phải là hiệu ứng tên không hề tồn tại; nhưng có lẽ chúng cần được giải thích lại kỹ càng, minh bạch hơn.
Năm 2004, các nhà kinh tế học Marianne Bertrand và Sendhil Mullainathan đã tạo ra năm nghìn hồ sơ ứng tuyển phản hồi cho các quảng cáo tuyển dụng được đăng trên mục rao vặt trong các tờ báo ở Chicago và Boston. Sử dụng các giấy khai sinh ở Massachusetts từ năm 1974 đến 1979, Bertrand và Mullainathan xác định những tên nào xuất hiện với tần suất cao trong một chủng tộc nhưng với tần suất thấp trong chủng tộc khác, từ đó tạo ra các nhóm mà họ gọi là “những tên có vẻ như của người da trắng” (ví dụ các tên như Emily Walsh và Greg Baker) và “những tên có vẻ như của người da đen” (ví dụ các tên như Lakisha Washington và Jamal Jones). Họ cũng tạo ra hai loại ứng viên: một nhóm chất lượng cao, với kinh nghiệm nhiều hơn và hồ sơ hoàn chỉnh hơn, và một nhóm chất lượng thấp, với một số thiếu sót rõ rệt trong công việc làm hoặc nền tảng.
Họ gửi hai hồ sơ từ mỗi nhóm trình độ cho các nhà tuyển dụng, một với “tên có vẻ như của người da đen” và một với “tên có vẻ như của người da trắng” (tổng cộng bốn CV cho mỗi nhà tuyển dụng). Họ phát hiện ra rằng các ứng viên “có tên có vẻ của người da trắng” nhận được nhiều cuộc gọi lại hơn 50%, và lợi thế mà một hồ sơ mang “tên của người da trắng” có so với một hồ sơ mang “tên của người da đen” là tương đương với tám năm kinh nghiệm làm việc cộng thêm. Trung bình, 1/10 hồ sơ “tên kiểu người da trắng” nhận được cuộc gọi lại, so với 1/15 hồ sơ “tên kiểu người da đen”. Nói cách khác, tên gửi tín hiệu về chúng ta là ai và chúng ta đến từ đâu.
[Bổ sung ngoài bản gốc: kết quả của nghiên cứu này chứng minh hết sức rõ ràng việc chúng ta có sự liên kết nhất định về tiềm năng của ai đó dựa trên tên của họ. Định kiến về màu da vốn còn rất lớn ở Hoa Kỳ và hiệu ứng đó thể hiện nổi bật trong thí dụ trên.]
Những phát hiện này cũng đã được chứng minh trên bình diện quốc tế. Một nghiên cứu của Thụy Điển so sánh giữa những người nhập cư đã thay đổi tên Slavic, Châu Á, hoặc Châu Phi của họ, chẳng hạn như Kovacevic và Mohammed, thành những tên nghe có vẻ Thụy Điển hơn, hoặc trung lập hơn, như Lindberg và Johnson. Các nhà kinh tế học Mahmood Arai và Peter Skogman Thoursie, từ Đại học Stockholm, đã phát hiện ra rằng việc thay đổi tên như vậy đã cải thiện đáng kể thu nhập: những người nhập cư với tên mới kiếm được trung bình 26 phần trăm nhiều hơn so với những người chọn giữ lại tên của mình.
[Bổ sung ngoài bản gốc: Một ví dụ khác gần giống việc đổi tên ở trên. Đó là việc đặt tên con giống văn hóa người bản địa là hiện tượng khá phổ biến ở người nhập cư, cho dù cả bố và mẹ đều đến từ quốc gia khác. Điều này cho thấy rõ ràng có sự nhận thức nhất định về chuyện tên có thể tác động đến cuộc sống sau này.]
Hiệu ứng của việc tên gọi đưa ra tín hiệu (name-signalling) – những gì tên nói về dân tộc, tôn giáo, lĩnh vực xã hội, và nền tảng kinh tế xã hội – có thể bắt đầu từ lâu trước khi ai đó bước vào thị trường lao động. Trong một nghiên cứu về trẻ em trong một học khu ở Florida, được thực hiện từ năm 1994 đến 2001, nhà kinh tế học David Figlio đã chứng minh rằng tên của một đứa trẻ ảnh hưởng đến cách nó được giáo viên đối xử, và việc đối xử khác biệt đó, đến lượt nó lại chuyển thành kết quả điểm số của bài kiểm tra.
Figlio phân biệt tác động của tên học sinh bằng cách so sánh anh chị em – cùng nền tảng, nhưng tên khác nhau. Trẻ em có những tên liên kết với tình trạng kinh tế xã hội thấp hoặc là người da đen, như được đo bởi phương pháp sử dụng bởi Bertrand và Mullainathan, đã gặp phải kỳ vọng thấp hơn từ giáo viên. Không ngạc nhiên, trẻ sau đó thực hiện kém hơn so với những trẻ tương đương có tên không phải của người da đen, tức là các tên được xem là có địa vị cao hơn. Figlio phát hiện ra một số điều thú vị, chẳng hạn như “một cậu bé tên ‘Damarcus’ được ước tính có điểm số toán và đọc thấp hơn 1.1 điểm phần trăm quốc gia (national percentile points) so với anh trai của mình tên ‘Dwayne,’ tất cả mọi thứ khác đều bằng nhau, và ‘Damarcus’ sẽ lần lượt có điểm số cao hơn ba phần tư của một điểm phần trăm so với anh trai của mình tên Da’Quan.’ ” Ngược lại, trẻ em có tên nghe có vẻ Châu Á (cũng được đo bằng tần suất ghi nhận sinh) đã nhận được kỳ vọng cao hơn, và thường xuyên được đặt vào các chương trình dành cho học sinh giỏi.
[Bổ sung ngoài bản gốc: nghiên cứu trên cho thấy thực tế là tên có ảnh hưởng nhất định đến kết quả, xuất phát chính từ sự kỳ vọng của những người tác động trực tiếp, ở đây chính là giáo viên dạy các bé.]
Các nhà kinh tế học Steven Levitt và Roland Fryer đã nghiên cứu về xu hướng trong việc đặt tên cho trẻ em da đen ở Hoa Kỳ từ thập kỷ 1970 đến đầu thập kỷ 2000. Họ phát hiện ra rằng những cái tên nghe có đặc điểm “da đen” hơn dần dần trở thành dấu hiệu đáng tin cậy hơn về tình hình kinh tế xã hội theo thời gian. Tình hình đó, đến lượt nó, ảnh hưởng đến kết quả cuộc sống sau này của một đứa trẻ, điều này có nghĩa là có thể thấy một mối tương quan giữa tên và kết quả, đề xuất một hiệu ứng tên tương tự như những gì được quan sát trong nghiên cứu Harvard thủa nào, vào năm 1948. Nhưng khi Levitt và Fryer kiểm soát cho bối cảnh, nền tảng của đứa trẻ, hiệu ứng tên biến mất, cho thấy rõ ràng rằng kết quả không bị ảnh hưởng bởi các đặc tính của chính bản thân của tên. Như Simonsohn ghi chú, “Tên cho chúng ta biết rất nhiều điều về việc bạn là ai.”
[Bổ sung ngoài bản gốc: điều này có nghĩa là chính bối cảnh và nền tảng ban đầu mới tác động rõ nét đến cuộc sống sau này của một người hơn là tên của người đó, tên được đặt ra sao là hệ quả phụ của bối cảnh, chứ không phải nguyên nhân gốc ban đầu tạo ra các kết quả tích cực hay tiêu cực.]
Trong nghiên cứu năm 1948, phần lớn các tên không phổ biến có nguồn gốc từ việc họ được sử dụng như tên chính – một thông lệ phổ biến trong các gia đình da trắng thuộc tầng lớp thượng lưu vào thời điểm đó. Những tên đó, cũng đóng vai trò như một dấu hiệu, nhưng trong trường hợp này là một dấu hiệu của đặc quyền và quyền lợi. Có thể những người mang những tên dạng trên không thành công trong việc nghĩ rằng họ có thể sống qua ngày mà không cần làm nhiều việc, hoặc rằng họ có thể tiết lộ những nỗi lo âu, căng thẳng mà họ sẽ cố gắng giấu đi.
Chúng ta nhìn thấy một cái tên, trong đầu chúng ta sẽ xuất hiện các liên kết ngầm các đặc tính khác nhau với nó, và sử dụng liên kết đó theo kiểu vô thức để đưa ra các phán đoán không liên quan về năng lực và sự phù hợp của người mang tên đó. Câu hỏi liên quan có thể không phải là “Có gì trong một cái tên?” mà, thay vào đó là “Các tín hiệu mà tên tôi gửi đi là gì – và nó ngụ ý điều gì vậy?”
(Bài gốc tiếng Anh: Why Your Name Matters của tác giả Maria Konnikova, đăng trên website New Yorker)
Ghi chú: tài liệu dịch, có thể có bản quyền.
Cảm nhận: Tôi rất thích bài này của tác giả Maria Konnikova, nó cho chúng ta một cái nhìn trung thực, nhiều chiều về việc tên gọi có ảnh hưởng đến cuộc sống sau này hay không. Có lẽ bạn đã hiểu được rồi, nó chắc chắn có ảnh hưởng nào đó, nhưng không quá nhiều đến mức đó sẽ là cái cản trở khủng khiếp hoặc thuật lợi mỹ mãn trong đa số trường hợp. Trong văn hóa Việt Nam, chúng ta cũng thường gán họ tên cho một đặc điểm nào đó, cái này thường được cực đoan hóa trong các tiểu phẩm hài… Dưới vai trò người đặt tên con, chúng ta chỉ cần ghi nhớ thế này là ổn: đừng chọn các tên gửi đi các tín hiệu xấu (Nguyễn Văn Hận, Nguyễn Chí Phèo), ít được xã hội coi trọng (Nguyễn Thị Vụn, Nguyễn Thị Nở), hoặc cực đoan thái quá (Nguyễn Đức Vua, Nguyễn Ham Giàu, Nguyễn Như Hoa Hậu).