Khi những người lạ được yêu cầu suy đoán tên của bạn từ một danh sách có sẵn, với thông tin duy nhất là khuôn mặt của bạn, họ sẽ cho kết quả tốt hơn là chọn ngẫu nhiên. Làm thế nào điều này lại có thể xảy ra được? Và điều này có nghĩa là gì? Có phải khuôn mặt bạn mang dấu ấn tên của bạn hay không?
Emma trông như thế nào? Có một Emma tiêu biểu nào đó mà tất cả các Emma khác đều có điểm chung hay không? Chúng ta có thể tự hỏi liệu chúng ta có trông giống như tên của mình không?
Dường như đây là một câu hỏi ngớ ngẩn phải không ạ? Rốt cuộc, hầu hết các bậc cha mẹ sẽ đặt tên cho con của họ trước khi bé sinh ra. Ngay cả khi được đặt tên ngay sau khi sinh, các em bé thường có vẻ ngoài giống nhau. Vậy làm thế nào mà khuôn mặt có thể thay đổi để phù hợp với tên gọi mà nó được đặt, trước cả khi được trông thấy?
Tuy nhiên, có bằng chứng cho thấy rằng nhiều người trong chúng ta thực sự trông giống như tên của mình, và người lạ có thể đoán được tên của chúng ta từ một danh sách ngắn, và cho kết quả tốt hơn là nếu họ chỉ thuần túy dựa vào may rủi.
Hiệu ứng phù hợp giữa tên và khuôn mặt, ngoài việc nó thật kỳ lạ, nó còn minh họa điều mà trong giới khoa học vẫn nhắc nhở bấy lâu nay: Cách bạn đặt câu hỏi nghiên cứu của mình có thể ảnh hưởng đến loại câu trả lời bạn nhận được.
Yaakov trông như thế nào?
Hiệu ứng này được mô tả trong một bài báo năm 2017 do một nhóm các nhà khoa học Israel và Pháp viết, trong đó họ đã thử nghiệm cả con người và máy tính được đào tạo trong tổng cộng tám nghiên cứu liên quan đến nhiệm vụ: Một khuôn mặt cần phải được khớp với tên đúng của nó. Điều đặc biệt thú vị về những nghiên cứu này là chúng tiết lộ quá trình tư duy của các nhà khoa học, cụ thể là cách những nhà khoa học này giải quyết khả năng họ đã sai.
Các nhà nghiên cứu đã cho sinh viên Israel xem 20 bức ảnh cùng một lúc của những người trẻ tuổi người Israel, và yêu cầu họ chọn ra một trong số năm tên mà họ nghĩ là tên của người trong bức hình. Nếu chọn một cách hoàn toàn ngẫu nhiên, trung bình người ta sẽ đạt được tỷ lệ thành công 20%. Mỗi bức ảnh có năm tên có thể, và 1/5 là 20%. Tuy nhiên, những sinh viên này đã làm tốt hơn thế. Tính trên tổng thể họ thành công 28%, với tỷ lệ thành công cao hơn ngẫu nhiên thuần túy đối với 17 trong số 20 khuôn mặt.
Nhưng các nhà khoa học nghĩ, “Chờ một chút. Nếu như những tên điền vào mà chúng tôi chọn sẵn trong bài kiểm tra là những tên sai thì sao – nghĩa là theo cách nào đó bản thân nó đã tự lộ ra là khác biệt so với những tên thật, và người tham gia của chúng tôi đang nhận biết được điều đó?” Ở đây chúng ta cần một ví dụ cực đoan cho dễ hiểu, nếu như danh sách các tên có thể là Youssef, Yves, Yan, Yorick, và Bob, và tên đúng là Bob phải không? (người ta dễ nhận ra 4 tên kia là tên sai).
Vì vậy, họ đã tiến hành một thí nghiệm tương tự trong đó những tên điền vào đó là những tên thật của những khuôn mặt khác được sử dụng trong bài test. Một lần nữa, người tham gia đã đạt được tỷ lệ thành công có ý nghĩa thống kê cao hơn cơ hội ngẫu nhiên thuần túy.
Nhưng nếu có điều gì đó về văn hóa Israel làm sai lệch kết quả thì sao? Các nhà nghiên cứu đã chuyển sang Pháp và lặp lại thí nghiệm với 116 người tham gia người Pháp, họ nhìn vào 10 bức ảnh chân dung của những người Pháp trẻ tuổi mà tên của họ không phải quá phổ biến cũng không quá hiếm. Mỗi bức ảnh chân dung có bốn tên có thể chọn, với tỷ lệ thành công chỉ do may mắn là 25%.
Tỷ lệ thành công tổng thể mà người tham gia đạt được là 41%, cao hơn nhiều so với nghiên cứu ở Israel. Thực tế, với tất cả mười khuôn mặt, người tham gia đều làm giỏi hơn may mắn thuần túy trong việc xác định tên của người đó.
Vậy là có điều gì đó trên khuôn mặt mà con người có khả năng nhận ra như điểm tương đồng với một cái tên cụ thể, và máy tính cũng có thể làm tương tự. Các nhà nghiên cứu đã huấn luyện một máy tính trên cơ sở dữ liệu gồm hơn 36.000 khuôn mặt phụ nữ với 15 tên nữ và hơn 58.000 khuôn mặt nam giới với 13 tên nam. Khi máy tính sau khi được huấn luyện đem ra kiểm tra với những khuôn mặt mới để ghép tên, nó cũng làm tốt hơn may mắn thuần túy.
Đây là thời điểm mà chúng ta phải nói về Bob.
Có một ý tưởng rằng chúng ta có thể ghép tên với khuôn mặt hoàn toàn dựa trên âm thanh mà những tên này tạo ra. Một ví dụ điển hình là việc trình bày hai hình ảnh, một người đàn ông vóc dáng thể thao với mũi hẹp, đầu đầy tóc và râu, người kia là một người đàn ông hói, to lớn hơn với cái mũi rộng hơn. Sinh viên được hỏi ai là Tim và ai là Bob. Kết quả là hầu hết mọi người đều cho rằng người đàn ông mảnh mai hơn với mái tóc dày được cho là Tim, trong khi người đàn ông với khuôn mặt tròn trịa là Bob. “Bob” nghe có vẻ tròn, do đó chúng ta có thể liên kết một khuôn mặt tròn trịa với tên ấy.
Một phiên bản trừu tượng hơn của hiện tượng này là hiệu ứng bouba/kiki. Hai hình dạng được hiển thị. Cái thứ nhất là một hình như ngôi sao sắc nhọn. Cái thứ hai cũng có hình dạng tổng quát tương tự nhưng các điểm đầu nó không nhọn nữa mà tròn hơn nhiều.
Người tham gia thử nghiệm được yêu cầu ghép hình dạng với tên của nó, hoặc là bouba hoặc kiki. Hầu hết mọi người nói cái nhọn là kiki và cái tròn mập là bouba. Chúng ta mong đợi hình dạng phản ánh âm thanh cho tên của nó.
Nhưng đó không phải là điều đang xảy ra trong nghiên cứu về việc ghép tên với khuôn mặt. Bởi vì khi sinh viên Pháp được yêu cầu ghép khuôn mặt và tên của người Israel, và khi sinh viên Israel được yêu cầu làm điều tương tự với khuôn mặt và tên của người Pháp, tỷ lệ thành công của họ giảm mạnh. Hiệu ứng dường như chỉ đặc biệt đúng cho mỗi nền văn hóa mà người tham gia thuộc về. Bạn cần phải biết một “Yaakov” thường trông như thế nào để nhận biết nó trên khuôn mặt. Nói cách khác, hiệu ứng này không nằm ở âm thanh.
Tám nghiên cứu này khi được kết hợp lại rất ấn tượng, nhưng tất cả đều xuất phát từ cùng một nhóm các nhà nghiên cứu. Liệu hiệu ứng này đã được tái tạo, lặp lại chưa? [Chú thích ngoài bản dịch: càng có nhiều thực nghiệm với các nhóm nghiên cứu khác nhau, và nếu nó càng cho thấy các kết quả tương tự thì kết luận chung của nghiên cứu đó càng đáng tin cậy hơn. Vì nó cho thấy tính khách quan trong kết quả]. Và nếu nó thật sự tồn tại, vậy thì làm thế nào một khuôn mặt có thể bắt đầu tiếp cận một nguyên mẫu văn hóa vô hình?
Hiệu ứng Dorian Gray
Năm 1891, Oscar Wilde đã xuất bản cuốn tiểu thuyết The Picture of Dorian Gray (tạm dịch: Bức tranh của Dorian Gray), trong đó một người đàn ông vẫn giữ được vẻ trẻ trung và đẹp đẽ trong khi bức chân dung của anh ta lại thể hiện những dấu hiệu của cuộc sống trụy lạc trong thực tế. Trong tâm lý học, hiệu ứng Dorian Gray ám chỉ những yếu tố nội tại, như tính cách của một người, ảnh hưởng đến vẻ bề ngoài của họ. Mối liên hệ giữa khuôn mặt của một người và tên của họ có thể được coi là một dạng hiệu ứng Dorian Gray, trong đó việc lớn lên với một cái tên dẫn đến những thay đổi trong ngoại hình của chúng ta.
Điều rõ ràng nhất, tất nhiên là kiểu tóc. Có thể là, trong một nền văn hóa cụ thể, với một tên cụ thể nào đấy, nó có xu hướng gợi lên kiểu tóc hoang dã, và người có tên này, vô thức muốn hòa nhập, để tóc của mình mọc dài theo kiểu hoang dã cho phù hợp với định kiến này. Thực tế, trong bài báo của Israel, một trong những nghiên cứu bao gồm việc trình bày 10 khuôn mặt hoặc chỉ là kiểu tóc riêng nó thôi hoặc ngược lại, với các đặc điểm nội tại của khuôn mặt không có tóc. Trong tất cả ba điều kiện, người tham gia đã làm tốt hơn ngẫu nhiên thuần túy trong nhiệm vụ ghép tên và ảnh. Với trường hợp chỉ có kiểu tóc, họ tìm thấy tên chính xác tốt hơn với ngẫu nhiên thuần túy cho chín trong mười bức ảnh về kiểu tóc!
Và nếu ai đó không giống như tên của họ, họ có thể thừa hưởng một biệt danh phù hợp hơn. Tên Robert đặc biệt linh hoạt. Rất dễ tưởng tượng rằng cha mẹ và bạn bè nhìn thấy cậu bé Robert lớn lên không giống với ý tưởng của họ về Robert, vì thế họ có thể chọn gọi anh ta là Bob, hoặc Rob, hoặc Bobby, hoặc Robby, hoặc thậm chí là Bert.
Về nguyên mẫu văn hóa của Robert – có thể khó để tưởng tượng làm thế nào nó lại xuất hiện. Ai quyết định Robert nên trông như thế nào? Nhưng với việc một số tên được truyền lại trong một số gia đình, với Robert Jr. là con trai của Robert Sr. và có thể nuôi dạy một Robert thế hệ thứ ba, và với gen cũng được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác. Có thể tưởng tượng được là, trong một số cộng đồng, một tên có tính đại diện Robert có thể mang một số đặc điểm gen có thể nhận biết trên khuôn mặt của một người.
Có thể, nghe có vẻ như tôi đang cố gắng giải thích một phát hiện rất không thực tế trong văn bản khoa học. Đặc biệt là, vào thời điểm hai năm trước khi bài báo Israel-Pháp được xuất bản, một nghiên cứu tương tự đã được công bố và nó đưa ra một kết luận phủ định, đến mức nó đã được xuất bản trong Tạp chí Bài viết Hỗ trợ Giả thuyết Vô nghĩa (Journal of Articles in Support of the Null Hypothesis), đó là một cách rất kỳ quặc để nói “Bài viết trong đó chúng tôi không tìm thấy điều thú vị và lôi cuốn mà chúng tôi hy vọng tìm thấy.”
Trong nghiên cứu đó, họ phát hiện rằng phụ nữ Mỹ, chứ không phải đàn ông, có khả năng thực hiện ghép chính xác hơn khuôn mặt và tên, nhưng trong một nỗ lực để lặp lại những phát hiện này, áp dụng sinh viên Anh nhìn vào khuôn mặt Anh, hiệu ứng biến mất.
Tuy nhiên, có một sự khác biệt lớn giữa nghiên cứu này và nghiên cứu của Israel-Pháp. Trong nghiên cứu đầu tiên (nghiên cứu đăng trên Tạp chí Bài viết Hỗ trợ Giả thuyết Vô nghĩa), người tham gia được đưa ra một tên và họ phải tìm xem khuôn mặt nào trong hai khuôn mặt có tên đó. Trong nghiên cứu sau (nghiên cứu của các tác giả Israel-Pháp), người tham gia được đưa ra một khuôn mặt và họ phải tìm xem trong số bốn hoặc năm tên nào thuộc về khuôn mặt đó. Bạn có thể nghĩ rằng tôi đang “vạch lá tìm sâu, bới bèo ra bọ”, nhưng việc ghép tên với khuôn mặt và ghép khuôn mặt với tên theo lý thuyết có thể kích hoạt các quá trình khác nhau trong não bộ. Có nhiều ví dụ trong tài liệu nghiên cứu về các hiệu ứng thực sự bị bỏ qua hoặc các hiệu ứng không tồn tại được phát hiện vì phương pháp không phù hợp được sử dụng. Ma quỷ trong khoa học luôn nằm ở những chi tiết nhỏ nhặt.
Bởi vì ngoài nghiên cứu chủ yếu phủ định này của Mỹ-Anh (nhưng không hoàn toàn phủ định: đừng quên phụ nữ Mỹ vẫn cho kết quả dự đoán tốt), có những dấu hiệu khác cho thấy hiệu ứng ghép tên-khuôn mặt có thể là thật.
Một thập kỷ trước khi công bố bài báo của Israel-Pháp, sinh viên tâm lý học được yêu cầu chơi với một phần mềm được sử dụng bởi lực lượng thi hành pháp luật để tái tạo khuôn mặt của một nghi phạm. Chỉ có điều, họ phải tạo ra một khuôn mặt tổng hợp đại diện cho một Andy, Bill, và Justin điển hình, tổng cộng là 15 tên nam phổ biến trong số sinh viên đại học. Những khuôn mặt tốt nhất được biến đổi thành mẫu cuối cùng, và những sinh viên không tham gia vào bài tập này có thể ghép những khuôn mặt này với tên tương ứng của nó tốt hơn ngẫu nhiên thuần túy. Mặc dù những khuôn mặt này đều là hư cấu, nhưng khuôn mặt đã được lắp ráp để phù hợp với một ý tưởng văn hóa về một người tên là Justin, sinh viên cũng cho biết rằng tên của nó được cho là Justin sẽ giúp ghi nhớ dễ hơn khi tên của nó được cho là Bill.
Một nghiên cứu khác cho thấy con người thực hiện tốt trên mức ngẫu nhiên khi được hiển thị khuôn mặt thật và mười tên có thể. Nếu hoàn toàn ngẫu nhiên, họ sẽ đúng 10%, nhưng họ lại đạt được tỷ lệ thành công gần 14%.
Cuối cùng, có những nỗ lực tái tạo thú vị hơn theo sau bài báo của Israel-Pháp, mặc dù không thể rút ra kết luận chắc chắn ở đây. Tạp chí Pháp Slate đã thực hiện một cuộc khảo sát nơi độc giả được yêu cầu ghép khuôn mặt với tên, mặc dù tôi không thể truy cập kết quả của nó. Trong khi đó, một giáo sư tại Đại học California tại Berkeley đã có 106 sinh viên thử ghép khuôn mặt của các thành viên giảng viên nam trong ngành của cô với tên của họ. Cô ấy đã gửi cho tôi kết quả của mình nhưng chỉ ra rằng bài tập rất lỏng lẻo này một phần được thực hiện “cho mục đích giải trí” và có nhiều hạn chế. Cho rằng mỗi bức ảnh đều đi kèm với danh sách cùng một danh sách 16 tên, nhưng hướng dẫn không rõ ràng rằng mỗi tên tương ứng với một bức ảnh, việc tính toán tỷ lệ do vậy trở nên khó khăn hơn. Ngoài ra, không giống như trong nghiên cứu của Israel-Pháp, những người trong ảnh không được yêu cầu giữ một biểu cảm trung lập. Nhiều người thì đang mỉm cười; những người khác thì lại không; và quần áo của họ cũng được đưa vào khung hình. Một nỗ lực thú vị, nhưng không phải là một cái cho phép chúng tôi đưa ra kết luận theo cách này hay cách khác. [Chú thích ngoài bản gốc: vì nó không đạt tiêu chuẩn cao của một nghiên cứu.]
Có một hạn chế lớn đối với nghiên cứu xung quanh hiệu ứng này. Hầu hết những nỗ lực nhằm phát hiện nó được thực hiện bằng cách sử dụng người tham gia ở độ tuổi 20 nhìn vào ảnh của những người khác cũng ở độ tuổi 20. Người lớn tuổi có giống như tên của họ không? Người trung niên có thể thực hiện tốt hơn ngẫu nhiên thuần túy tại bài tập ghép này không? Nghiên cứu tương lai có thể cho chúng ta biết điều đó.
Nhưng nếu hiệu ứng này thực sự là thật – nếu, ở một mức độ nhỏ nhưng có thể phát hiện được. Nói cách khác nhiều người trong chúng ta giống với một ý tưởng văn hóa về những gì chúng ta nên trông như thế nào khi chúng ta trưởng thành – thì đó sẽ là một ví dụ phi thường về hiện tượng Dorian Gray. Hãy để tôi trích dẫn một trong những tác giả của bài báo Israel-Pháp, khuôn mặt của chúng ta, giống như một hòn đá, được mài mòn theo bởi biển qua nhiều năm. Theo những cách bé nhỏ, chúng ta điều chỉnh ngoại hình của mình để phù hợp với một hình mẫu trừu tượng, không hữu hình mà được chia sẻ trong văn hóa của chúng ta.
Có vẻ như tên của chúng ta được in mờ lên khuôn mặt của chúng ta. Tôi mong muốn có thêm nhiều nghiên cứu xác nhận hiệu ứng này và tìm hiểu sâu hơn về chính xác lý do tại sao chúng ta lại trông giống một chút với cái tên mà cha mẹ đã đặt cho mình.
Thông điệp cần ghi nhớ:
- Các nghiên cứu báo cáo rằng khi mọi người được yêu cầu tìm tên chính (firstname) của một người từ một danh sách ngắn sau khi nhìn vào khuôn mặt của họ, người tham gia thường làm tốt hơn nếu họ chỉ đơn thuần đoán mò, và máy tính được đào tạo cũng có thể có kết quả tương tự.
- Người ta cho rằng chúng ta có thể thay đổi ngoại hình của mình khi chúng ta lớn lên theo cách vô thức, ví dụ như kiểu tóc của chúng ta, để phù hợp với một ý tưởng văn hóa nào đó về người có tên đó nên trông như thế nào.
- Các nghiên cứu đã được thực hiện cho đến nay có hạn chế là chúng chỉ liên quan đến những người trong độ tuổi 20 cố gắng ghép tên và khuôn mặt của những người khác trong độ tuổi 20.
(Bản gốc: Is Your Face Betraying Your Name? của tác giả Jonathan Jarry M.SC trên trang McGill)
Ghi chú: tài liệu dịch, có thể có bản quyền.