Điều gì khiến một cái tên bỗng dưng phổ biến—rồi lại biến mất? Các nhà khoa học xã hội và nhà sử học đã băn khoăn về điều này suốt hàng thập kỷ rồi.
Xin chào “Liam” và chào cả “Emma” nữa nhé.
Tháng này, Baby Center (một website mẹ và bé phổ biến ở Hoa Kỳ) đã công bố danh sách xu hướng các tên cho bé phổ biến nhất năm 2019—và hai cái tên ở trên đứng đầu danh sách này. Chúng đã thăng tiến trong bảng xếp hạng một khoảng thời gian rồi. Trong nhiều năm, “Noah” là tên số 1 dành cho bé trai, và “Liam” đã phải mất một thời gian dài để lật đổ nó. Tương tự, “Sophia” đã thống trị trong danh sách tên bé gái trước khi “Emma” chiếm lấy vị trí số 1. Trong khi đó, nếu bạn nhìn kỹ hơn vào bảng xếp hạng, bạn có thể thấy một số cái tên mới, không được đánh giá cao nhưng đang dần trở nên phổ biến hơn. Các tên cho bé trai như “Genesis,” “Saint,” và “Baker” đã tăng mạnh trong những năm gần đây, và cũng như vậy với các tên cho bé gái như “Dior” và “Adalee.” Có thể sau mười năm nữa, một trong những cái tên này sẽ trở thành tên thuộc top đầu.
Đó là cách các tên xuất hiện rồi lại biến mất. Chúng tăng lên đến mức độ phổ biến, tận hưởng một thời gian thuộc nhóm đầu, và sau đó giảm xuống. “Emma” và “Liam” sẽ nổi tiếng trong một thời gian, cho đến khi bỗng nhiên… chúng không còn nổi nữa.
Nhưng tại sao? Điều gì khiến một cái tên bỗng dưng nổi lên—rồi lại biến mất?
Các nhà khoa học xã hội và nhà sử học đã băn khoăn về điều này suốt hàng thập kỷ, và câu trả lời ngắn gọn nhưng không thỏa đáng là: không ai thực sự biết. Nhưng có một số manh mối hấp dẫn!
Một trong những manh mối rõ ràng nhất là ảnh hưởng của văn hóa đại chúng (influence of pop culture). Cha mẹ có thể lấy ý tưởng đặt tên từ mọi thứ, từ những người nổi tiếng mà họ yêu thích đến các nhân vật trong những cuốn sách bán chạy nhất. Hoặc thậm chí là nhạc pop: Trong bài viết của mình có tựa đề “Brandy, You’re a Fine Name: Popular Music and the Naming of Infant Girls from 1965-1985” [Brandy, Bạn là một cái tên hay: Âm nhạc đại chúng và việc đặt tên cho các bé gái sơ sinh từ 1965-1985, độc giả có thể tham khảo bản dịch tiếng Việt ở đây.], Michelle Napierski-Prancl tự hỏi xem có sự tương quan nào giữa các bài hát nổi tiếng và tên của các bé gái hay không. Thực tế, có vẻ như điều đó đúng: Khi bài hát “Joanna” của nhóm nhạc Kool and the Gang lọt vào Danh sách Billboard Hot 100 vào năm 1984, tên Joanna bỗng nhiên tăng mạnh về mức độ phổ biến. Điều tương tự cũng xảy ra với tên “Rosanna” sau khi bài hát cùng tên của Toto ra mắt vào năm 1982. Thậm chí một số tên khá lạ cũng thấy tăng trưởng mạnh mẽ sau một bài hát hit (bài hit nghĩa là bài phổ biến rộng rãi và được nhiều người biết đến). Các tên như “Candida,” “Windy,” và “Ariel” trước đây không phổ biến, đến mức mà chúng thậm chí còn chưa bao giờ lọt được vào top 1.000. Nhưng sau khi các bài hát với các tên này trở thành những bản hit đình đám vào thập niên 60 và 70, thì tất cả chúng đột nhiên xuất hiện trên bảng xếp hạng các tên trẻ em phổ biến nhất.
Tuy nhiên, thành công đó chỉ kéo dài trong thời gian ngắn mà thôi. Như Napierski-Prancl đã chỉ ra, sự phổ biến của tên thường giảm đi ngay sau khi bài hát đó rời khỏi bảng xếp hạng. “Điều này cuối cùng tạo ra một nhóm phụ nữ có cùng một cái tên chỉ phổ biến trong một khoảng thời gian ngắn,” cô viết. “Ngày nay, một người có tên Windy hoặc Candida có thể được coi là có một cái tên khá lạ.” Hơn nữa, chọn tên theo văn-hóa-đại-chúng-vào-thời-điểm-đó (pop-culture-name-of-the-moment / ám chỉ tính nhất thời, phù du, dễ biến đổi) có thể khiến cha mẹ sau này hối tiếc. Napierski-Prancl ghi chú thêm rằng: theo một cuộc khảo sát với các bậc cha mẹ ở Anh, cho thấy có 20% phụ huynh “không còn thích tên mà họ đã chọn cho con của mình,” với một lý do là họ hối tiếc vì đã chọn một cái tên mà vào thời điểm đó nó có vẻ “ngầu hoặc thông minh.”
Điều đó nói lên rằng sức mạnh của nhạc pop cũng có giới hạn của nó. Một số tên đủ khác thường đến mức ngay cả một bài hát nổi tiếng toàn cầu cũng không thể thúc đẩy chúng trở nên phổ biến được. Khi ca khúc “My Sharona” của The Knack đứng đầu bảng xếp hạng trong sáu tuần vào năm 1979 (một bài hát được lấy cảm hứng từ bạn gái ngoài đời thực sự của ca sĩ, “Sharona”), nó vẫn không thể đưa tên đó vào top 1.000 tên gọi phổ biến nhất cho bé gái. Bài “Hey, Deanie” vào năm 1978 cũng vậy.
Không chỉ nhạc pop ảnh hưởng đến việc đặt tên, mà bất kỳ thành phần nào của văn hóa đại chúng cũng có thể tạo ra những cái tên mới đang hot – bao gồm cả chính trị, như nhà sử học Arthur Schlesinger đã chỉ ra trong bài báo năm 1941 của mình “Patriotism Names The Baby”.[Lòng yêu nước đặt tên cho bé]
Trong những ngày đầu tiên người Thanh Giáo (Puritan) di cư đến Mỹ, người Mỹ thường chọn những tên trong Kinh Thánh, như “Ichabod” và “Samuel”; sau đó, họ chuyển sang “đức tính đạo đức” như “Faith [Sự tin tưởng]”, “Mercy [Nhân từ]”, và “Standfast [Vững chắc, ổn định]”. Nhưng vào cuối thế kỷ 18, Cách mạng Mỹ (American Revolution) bắt đầu đưa những câu chuyện lên báo, nói về những kẻ nổi loạn chiến đấu cho mục tiêu độc lập khỏi Anh. Vì vậy, cha mẹ Mỹ bắt đầu đặt tên cho con họ là “George Washington,” “Thomas Jefferson,” “Washington Irving.” và “Martha Dandridge,” tên thời con gái (maiden name) của vợ George Washington [ở Hoa Kỳ, phụ nữ sau khi lấy chồng sẽ đổi sang họ của chồng]. Như Schlesinger ghi chú:
… khi cuộc cãi vã với mẫu quốc tăng lên và ngày càng kích thích cảm xúc của người dân, người ta bắt đầu chứng tỏ lòng trung thành với nước Mỹ tại bồn rửa tội (baptismal font).
Sau khi Đại tướng Richard Montgomery tử trận trong Trận Quebec năm 1775, cha mẹ Mỹ ngất ngây trước câu chuyện và hình như cả tên của ông nữa. Một mục sư ở Connecticut không chỉ đặt tên cho con trai mới sinh của mình là Montgomery mà trong lễ rửa tội còn mặc cho đứa trẻ áo màu xanh quân đội, “với một chiếc lông đen trên mũ, và một biểu tượng để tang.”
Hóa ra chính trị có thể có những ảnh hưởng tinh tế hơn đến việc đặt tên cho trẻ. Hai nhà tâm lý học đã chú ý đến đặc điểm lâu đời của người Mỹ ở vùng Tây Hoa Kỳ (Western Americans) là rất độc lập, và tự hỏi liệu điều đó có ảnh hưởng gì đến việc đặt tên cho trẻ hay không. Quả nhiên, họ phát hiện ra rằng cha mẹ ở các bang phía Tây Bắc như Montana, Washington, Oregon, Idaho và Wyoming ít có khả năng nhất trong việc chọn tên phổ biến cho con họ so với cả nước. Trong khi đó, một nghiên cứu khác phát hiện ra rằng một số cha mẹ có vẻ như sử dụng tên của con họ như một dấu hiệu của đảng phái chính trị. Sau khi Ronald Reagan (thuộc đảng Cộng hòa) trở thành tổng thống vào những năm 80, tên “Reagan” – trước đó khá hiếm hoi – tăng mạnh về mức độ phổ biến, lọt vào top 100 vào năm 2012. Tuy nhiên, có một điểm thú vị: Những bậc cha mẹ thuộc đảng Cộng hòa có khả năng chọn tên này nếu họ sống trong khu vực có đảng viên Dân chủ. Nếu sống trong một khu vực hoàn toàn thuộc đảng Cộng hòa (có biểu trưng màu đỏ, nên bản gốc sử dụng từ solidly red district) thường làm giảm khả năng đặt tên cho con là “Reagan.”
Tại sao lại như vậy? Các học giả giả định rằng, có thể vì những bậc cha mẹ thuộc đảng Cộng hòa đang sử dụng tên của con họ như một cơ chế báo hiệu – một cách để thể hiện lòng trung thành bảo thủ của họ trong một khu vực có đảng phái chính trị pha trộn. “Không phải chỉ đơn giản là sống trong một khu vực an toàn thuộc đảng Cộng hòa mà từ đó kích hoạt việc lựa chọn một tên đảng phái [làm tên con],” họ ghi chú, “nhưng sống trong một nơi có những người thuộc đảng Dân chủ xung quanh sẽ kích thích bản sắc đảng phái.”
(Nhân tiện, một hạn chế của tất cả các nghiên cứu mà tôi đang thảo luận: Dường như chúng chủ yếu, và có thể nói là hoàn toàn, về tập quán đặt tên cho người cisgendered [tức là không phải nói về người chuyển giới / ý tác giả là nếu dữ liệu có cả thông tin đặt tên cho người chuyển giới – transgender nữa thì hoàn hảo hơn].)
Có một xu hướng thú vị ở quy mô quốc gia trong việc đặt tên cho trẻ sơ sinh: chúng đã trở nên đa dạng hơn theo thời gian. Trong suốt 100 năm qua, người Mỹ ngày càng chấp nhận sự mới lạ. Họ ít chọn tên đã phổ biến và có nhiều khả năng tạo ra những tên hoàn toàn mới.
Ví dụ, vào năm 1900, 91% trẻ em thuộc mọi giới tính đều được đặt tên từ 1.000 tên phổ biến nhất. Nhưng một thế kỷ sau, vào năm 2000, chỉ có 75% bé gái được đặt tên từ 1.000 tên bé gái phổ biến nhất, và tỷ lệ này cũng giảm đối với bé trai, xuống còn 86%. Nói cách khác, nhiều trẻ em hơn nhận được những tên có thể được coi là khác thường hoặc mới. (Và xu hướng này nổi bật hơn đối với bé gái so với bé trai: người Mỹ dường như sẵn lòng thử nghiệm các tên mới cho bé gái hơn là bé trai.)
Bạn thậm chí có thể thấy tinh thần thời đại ảnh hưởng đến mong muốn thay đổi của người Mỹ. Như Matthew W. Hahn và Alexander Bentley phát hiện, sự xuất hiện của những tên mới, lạ tăng vào những năm 20, đạt đỉnh vào khoảng 1930, nhưng sau đó giảm mạnh vào những năm 40 và 50. Sau đó, nó tăng mạnh trở lại vào những năm 60, trước khi đảo ngược và giảm mạnh trở lại vào cuối những năm 70. Tại sao? Nếu bạn muốn tham gia vào một số phân tích thì nó thế này: “Thập kỷ 20 sôi động” và thập kỷ 60, cả hai đều là thời kỳ khi một phần đáng kể dân số trân trọng hành vi sáng tạo, phá vỡ quy tắc; thập kỷ 50 và đầu những năm 80 thì không được như vậy.
Tuy nhiên, mức độ sáng tạo cao nhất nằm trong quy tắc đặt tên của người Mỹ gốc Phi hiện đại (modern African-American), như một số học giả và nhà tư tưởng đã ghi nhận. Một phân tích năm 1995 nghiên cứu về tên của người Mỹ gốc Phi từ năm 1916 đến 1989, tìm kiếm sự xuất hiện của “tên độc đáo” – tức là một tên chỉ được đặt cho một đứa trẻ trong cả nước. Năm 1920, 31% bé gái gốc Phi và 25% bé trai gốc Phi ở Illinois có tên độc đáo, cao hơn tỷ lệ của người Mỹ da trắng, khoảng 24% và 22% tương ứng. Tỷ lệ tên độc đáo được chọn bởi cha mẹ gốc Phi giữ ổn định cho đến những năm 1960 – khi chúng bắt đầu tăng lên, đạt đỉnh ở mức 60% cho bé gái vào khoảng năm 1980.
Như Sandra L. West – đồng tác giả của “Encylopedia of the Harlem Renaissance” [Bách khoa toàn thư về thời kỳ Phục hưng Harlem] – ghi chú, sự phát triển của những cái tên mới tương ứng với những thay đổi văn hóa của riêng nó, bao gồm sự phát triển của phong trào Black Power (Quyền lực của người da đen) vào những năm 1960 và việc từ chối những tên ban đầu bị ép buộc đặt cho gia đình người Mỹ gốc Phi trong thời kỳ nô lệ. “Cha mẹ da đen muốn con họ có cái tên độc đáo mang giá trị đẹp đẽ, những cái tên rất có thể là thứ duy nhất đẹp đẽ trong cuộc sống phức tạp của họ,” cô viết. Hoặc như học giả Ayanna F. Brown và Janice Tuck Lively viết, “Trong chừng mực chúng đại diện cho sự sáng tạo của một dân tộc sẵn lòng chống lại với văn hóa đặt tên trong xã hội phương Tây, chúng cũng nhắc chúng ta rằng tên riêng (first name) của bạn được đặt cho bạn bởi những người yêu thương bạn, không giống như họ (surname) của bạn, được thừa hưởng từ một di sản của nô lệ và lạm dụng tâm lý.”
Bên dưới tất cả những thay đổi văn hóa trong tên, có vẻ như một số sự phổ biến được thúc đẩy bởi chính âm điệu (sheer prosody). Hầu hết cha mẹ đột nhiên chọn một tên chỉ vì vào thời điểm đó, nó nghe có vẻ thú vị.
Trong bài báo “From Karen to Katie: Using Baby Names to Understand Cultural Evolution” [Từ Karen đến Katie: Sử dụng tên của Trẻ để hiểu về sự tiến hóa văn hóa], một nhóm nghiên cứu đã phát hiện ra rằng khi một tên đột nhiên trở nên phổ biến, nó có thể liên quan đến các âm vị (phonemes) của các tên hit (nổi bật, phổ biến) trước đó. Hãy nghĩ về nó theo cách này: Hãy tưởng tượng rằng vào năm 2000, một số tên phổ biến nhất bắt đầu bằng một âm K cứng – như “Carl” hoặc “Katie” – trong khi các tên phổ biến khác kết thúc bằng âm N (như “Darren” và “Warren”). Trong những năm tiếp theo, cha mẹ có khả năng cao hơn trong việc ưa chuộng những tên kết hợp những âm này, như “Karen.” Hoặc nói một cách khác, tên phát triển từ âm của các tên trước đó. “Những tên như Aiden sẽ có khả năng trở nên phổ biến hơn khi những tên như Jayden đã phổ biến gần đây,” như các nhà khoa học ghi chú.
Thậm chí các sự kiện tin tức, dường như cũng có thể kích hoạt hiệu ứng này. Nếu một tên đột nhiên chiếm ưu thế trong các tiêu đề (tin tức), chúng ta vô thức hấp thụ âm điệu của nó. Ví dụ, khi Bão Katrina tàn phá Florida và Louisiana vào năm 2005, nó đã gây ra những câu chuyện kéo dài hàng tuần, thậm chí hàng tháng. Sự nổi bật của tên “Katrina” dường như đã tạo ra ảnh hưởng: Trong những năm tiếp theo, sự xuất hiện của những tên bắt đầu bằng “K” tăng lên 9%. Bởi vì những bậc cha mẹ đang chờ đợi với âm “K” trên môi họ, nó đã tạo ra sự ưa chuộng cho âm vị đó khi đến lúc đặt tên cho đứa trẻ mới của họ.
Dù tên có đến từ đâu đi chăng nữa, một điều chắc chắn là: Hầu hết mọi đứa trẻ phải “dính” đến nó suốt đời. “Cần phải nhớ rằng, từ thời thơ ấu trở đi, tên gọi của chúng ta đi theo chúng ta còn trung thành hơn cả bóng của chúng ta nữa,” như Schlesinger đã nói. “Cái sau chỉ theo chúng ta khi có đủ sáng mà thôi; còn cái trước đeo bám chúng ta cả ngày và đêm.” Người ta có thể hy vọng rằng Liams và Emmas, hai mươi sau sẽ vẫn hài lòng với sự lựa chọn của cha mẹ họ.
(Bài gốc: The Science of Baby-Name Trends, tác giả Clive Thompson)