Nam Văn Nữ Thị trong họ tên người Việt (mẫu DKL01)

Chúng ta đã từng khảo sát Nam Văn Nữ Thị ở mẫu đại diện cho cả nước là SG01, trong đó cho thấy sự suy giảm đáng kể việc sử dụng các đệm này tương ứng trong từng giới.

Hôm nay chúng ta sẽ khảo sát mẫu DKL01 để xem có sự khác biệt nào không. Về đặc điểm mẫu DKL01 khác nhiều SG01, chủ yếu ở hai khía cạnh vùng địa lý và độ tuổi.

DKL01 thuộc tỉnh Đắk Lắk và là những người có năm sinh từ 1991 đến 2002, trong khi SG01 ở Sài Gòn và là những người có năm sinh trẻ hơn đáng kể, từ 2007 đến 2011. Độ dài thời gian ở mẫu DKL01 cũng lớn hơn, trải qua quãng 12 năm, còn SG01 chỉ 5 năm.

Giờ sẽ là kết quả thống kê.


#1. Đệm Thị được sử dụng với tỷ lệ rất cao cả ở tên 3 từ và tên 4 từ ở Nữ giới

Tên nữ 3 từ có tỷ lệ sử dụng đệm Thị với tỷ lệ trên 55% đến 85% qua các năm.

Tên nữ 4 từ có tỷ lệ sử dụng đệm Thị từ gần 80% đến hơn 91% qua các năm.

Đây là các con số rất lớn nếu chúng ta nhìn lại cách sử dụng đệm Thị trong mẫu họ tên SG01. Đệm Thị trong SG01 chỉ dao động 1 – 2% trong tên 3 từ, và 20 – 30% trong tên 4 từ.

Sự khác biệt về vùng địa lý & thời gian sinh của người có họ tên trong mẫu có thể lý giải mức chênh lệch lớn này.


#2. Mặc dù có tỷ lệ sử dụng cao, đệm Thị cũng cho thấy xu hướng suy giảm rất lớn qua từng năm

Không nằm ngoài quy luật suy giảm. Đệm Thị có tỷ lệ sử dụng giảm dần qua các năm, và biểu hiện rõ nhất ở tên 3 từ. Ở thời điểm cao nhất trong mẫu (người sinh năm 1992), đệm Thị có tỷ lệ sử dụng lên đến 85%, còn ở thời điểm thấp nhất còn 56.74% (người sinh năm 2002), tức là mức độ phổ biến đã giảm 1/3 sau hơn mười năm.

Năm 1991 1992 1993 1994 1995 1996 1997 1998 1999 2000 2001 2002
tỷ lệ% 84.35% 85% 82.74% 82.34% 81.08% 77.8% 74.68% 74.97% 70.19% 64.87% 61.87% 56.74%

Đối với tên 4 từ, mức độ suy giảm ít hơn đáng kể, chỉ khoảng hơn 11%.


#3. Đệm Văn có tỷ lệ sử dụng cao

Đệm Văn trong họ tên nam có 3 từ có tỷ lệ sử dụng từ khoảng 18 đến 23%. Mức độ suy giảm về trị tuyệt đối thì nhỏ (5%) nhưng xét về tỷ lệ cũng là đáng kể, cụ thể là giảm 1/5 mức độ thông dụng sau thời gian hơn 10 năm.

So sánh với mẫu SG01 thì tỷ lệ sử dụng đệm Văn của mẫu DKL01 cao hơn rất nhiều. Mẫu SG01 có mức độ sử dụng đệm Văn trong tên 3 từ chỉ 2 – 3%.

Đệm Văn trong tên 4 từ có số lượng không đáng kể (chưa bằng 1/15 trong tên 3 từ), còn tính về tỷ lệ, nó quanh mốc 8 – 9%.


Một số đánh giá

Khác vùng địa lý và độ tuổi chênh lệch trung bình dù chỉ 12 – 13 năm cũng tạo ra các khác biệt rất lớn về việc sử dụng đệm Văn và Thị trong họ tên. Tức là nếu chúng ta chỉ quan sát mẫu SG01 thì dễ vội vã cho rằng Văn & Thị hiện nay không còn được sử dụng nhiều, mẫu DKL01 cho thấy điều ngược lại, tỷ lệ dùng là rất lớn.

Dù vậy cả hai có điểm chung là tốc độ suy giảm cao (tốc độ suy giảm của khu vực SG01 cao hơn từ 2 – 3 lần DKL01 khi xét suy giảm đệm Thị trong tên 3 từ, còn xét trong tên 4 từ thì tốc độ suy giảm đệm Thị của SG01 cao hơn khoảng 5 – 6 lần).