Khảo sát Nam Văn Nữ Thị trong họ tên người Việt (mẫu SG01)

Nam Văn Nữ Thị vốn là câu nói quen thuộc để mô tả hiện tượng sử dụng đệm phổ biến này trong họ tên nam và nữ tương ứng. Trong khảo sát này, chúng ta sẽ tìm hiểu xem việc sử dụng đệm Văn trong tên nam và Thị trong tên nữ khác biệt thế nào, và biến đổi qua thời gian ra sao. Mẫu được dùng để rút trích dữ liệu là SG01. Các kết quả:


#1. Đệm Thị chủ yếu là đệm nhất

Đệm nhất là đệm đầu tiên sau họ, có ở tất cả các tên có 3 từ đổ lên. Đệm hai thì chỉ những tên có 4 từ đổ lên mới có. Đệm ba phải tên có 5 từ đổ lên.

Đệm nhất Đệm hai Đệm ba
Thị 17.6% 0.2% 0%
  • Họ tên 3 từ: Họ + Đệm nhất + Tên
  • Họ tên 4 từ: Họ + Đệm nhất + Đệm hai + Tên
  • Họ tên 5 từ: Họ + Đệm nhất + Đệm hai + Đệm ba + Tên

Tức trong các tên có đệm nhất (gần 100% họ tên nữ có đệm nhất) có 17,6% sử dụng đệm Thị là đệm đầu tiên. Xem thêm: Đệm và đệm phổ biến ở nữ giới.


#2. Có sự khác biệt đáng kể trong việc sử dụng đệm Thị trong tên 3 từ và tên 4, 5 từ ở nữ giới

Cụ thể trong tên 4 từ đệm Thị vẫn rất phổ biến.

Trong khi đệm Thị trong họ tên 3 từ chỉ được sử dụng ở mức từ 1 – 2% thì trong tên 4 từ nó được dùng từ hơn 20% cho đến 30% (tùy năm), tức chênh nhau 15 đến 20 lần. Trong tên 5 từ, đệm Thị được sử dụng ở mức 7%.

Và nếu có Thị trong họ tên 4 từ thì gần như 100% trường hợp được dùng là đệm đầu tiên như ở mục #1 có nói.

Cấu trúc họ tên lúc này sẽ là: Họ + Thị + Đệm 2 + Tên

Thị được tính là đệm đầu tiên (đệm 1).

Trường hợp dùng Thị làm đệm thứ hai không phải không có, nhưng hiếm và có đặc trưng riêng. Đó thường là các tên có đến 5 từ, và đệm đầu hay sử dụng họ (thường là họ mẹ), ví dụ: Nguyễn Đỗ Thị Thiên Vy, Trần Lê Thị Anh Thơ, Lê Trần Thị Như Ý.


#3. Đệm Thị ngày càng có tỷ lệ sử dụng suy giảm theo thời gian

Bất kể là trong tên 3 từ hay trong tên 4 từ, đệm Thị có khuynh hướng giảm dần theo thời gian.

Cụ thể theo thống kê, nữ giới sinh năm 2007, đệm Thị có hơn 2% trong họ tên 3 từ, nhưng đến năm 2011 chỉ còn 0,87%.

Năm 2007 2008 2009 2010 2011
Tỷ lệ 2.01% 1.54% 1.37% 1.21% 0.87%

Sự suy giảm của việc dùng đệm Thị trong tên 4 từ ở nữ giới cũng rất đáng kể. Từ hơn 30% ở người sinh năm 2007, xuống còn hơn 22% vào năm 2011.

Năm 2007 2008 2009 2010 2011
Tỷ lệ 30.1% 27.8% 26.6% 25.4% 22.5%

Dựa trên mô hình này chúng ta có thể dự đoán đệm Thị sẽ gần như vắng bóng trong họ tên có 3 từ ở nữ giới trong thời gian tới, đặc biệt ở các đô thị lớn. Còn trong tên 4 từ, mặc dù vẫn phổ biến nhưng đà suy giảm cũng rất mạnh.


#4. Đệm Văn ở nam cũng có tỷ lệ sử dụng suy giảm theo thời gian

Trong nhóm tên 3 từ ở nam giới, đệm Văn có tỷ lệ sử dụng suy giảm từ 3.47% năm 2007 xuống còn 2.46% năm 2011.

Như vậy tương tự Thị trong tên 3 từ ở nữ, đệm Văn trong tên 3 từ ở nam cũng có mức độ suy giảm cao.

Năm 2007 2008 2009 2010 2011
Tỷ lệ 3.47% 3.19% 2.7% 2.97% 2.46%

#5. Đệm Văn trong tên 4 từ ở nam giới không phổ biến, cũng không suy giảm nhiều như Thị ở nữ giới

Nếu đệm Thị trong tên 4 từ ở nữ giới cực kỳ phổ biến thì đệm Văn trong tên 4 từ ở nam khiêm tốn hơn nhiều. Nó chỉ được dùng quanh mốc 3%. Ngoài ra theo thời gian, ít nhất là trong khảo sát 5 năm những người sinh từ 2007 đến 2011, nó không cho thấy mức độ suy giảm về tỷ lệ sử dụng.

Một lưu ý nhỏ khác, đệm Văn được dùng làm đệm 2 trong tên 4 từ ở nam phổ biến hơn đáng kể đệm Thị được dùng làm đệm 2 trong tên 4 từ ở nữ.

Trong tên 4 từ ở nam, nếu Văn được dùng làm đệm 2 thì đệm đầu thường là đệm dạng họ (thường là họ mẹ). Ví dụ Nguyễn Hoàng Văn Minh, Lê Đỗ Văn Đạt, Nguyễn Phạm Văn Công. Điều này có vẻ giống như Thị trong tên 5 từ ở nữ.


Các lý giải

Trong các nguyên tắc đặt tên cho con, có hai nhu cầu nổi bật là tránh trùng lặp và thẩm mỹ. Việc Nam Văn Nữ Thị ngày càng suy giảm có thể giải thích được từ những nhu cầu này.

Hiện tôi chưa có các thống kê chi tiết về việc sử dụng đệm Văn và Thị cho nhiều nhóm tuổi cao hơn, nhưng cảm quan thì tỷ lệ rất cao. Chính điều này làm Văn và Thị ngày càng kém hấp dẫn hơn trên thị trường lựa chọn đệm cho họ tên người.

Tuy nhiên sự suy giảm sử dụng liên quan đến chuyện nó quá phổ biến có khả năng sẽ xảy ra với bất kỳ đệm tên nào, vậy còn thêm lý do nào khác không? Theo tôi là vẫn còn, ở chỗ Văn & Thị còn có thể mang biểu trưng văn hóa và kinh tế khiến nó kém thu hút, dù đây chỉ là dự đoán.

Chúng ta cũng nên phân tích xem tại sao cùng có sự suy giảm trong tên 3 từ nhưng biểu hiện của Văn & Thị lại rất khác biệt trong tên 4 từ? (đệm Thị vẫn có tỷ lệ sử dụng đặc biệt cao trong tên nữ 4 từ).

Điều này có thể vì người Việt chúng ta lo sợ cho khả năng biểu trưng giới của tên ở nữ khi muốn tăng tính thẩm mỹ cho tên. Và khiến việc bổ sung đệm Thị như một cách để đảm bảo đặc trưng giới của tên không bị lẫn lộn, trong khi họ tên nam không hề gặp phải vấn đề này.

Một ví dụ để chúng ta dễ hiểu hơn. Chẳng hạn bạn mới sinh bé gái, bạn họ Trần và bạn thích tên con là Thảo. Bạn dĩ nhiên nghĩ đến cái tên Trần Thị Thảo, nhưng đệm Thị bạn cảm thấy không hay. Bạn cũng nghĩ đến cái tên Trần Thu Thảo, nó rõ ràng hay hơn với bạn nhưng bạn lại cảm thấy đặc trưng giới chưa được biểu đạt rõ. Thế là bạn kết hợp cả hai: Trần Thị Thu Thảo. Nó sẽ vừa chắc chắn tên biểu trưng cho nữ (vì có Thị), vừa hay hơn vì có thêm đệm thứ hai Thu.

Dù đệm Thị trong tên 4 từ ở nữ vẫn có tỷ lệ sử dụng cao, nhưng đà suy giảm không hề nhỏ của nó cho thấy việc đặt tên có thể đã có những cải tiến nhất định, khi người ta mở rộng kho từ vựng cho tên con, cháu gái của họ để nó vừa hay vừa có đặc trưng giới rõ ràng.

Image Credit: Huy Phan / Pexels.