Một trong những thống kê mà ai cũng biết về tên họ của phụ nữ Việt đó là thường có “Thị” làm đệm. Chẳng xa xôi gì, mẹ và nhiều người bạn thân của tôi đều có đệm là “Thị”.
Nhưng tôi muốn biết nhiều hơn thế, trong bài viết này tôi sẽ tìm hiểu một số thống kê sau:
- Những họ nào phổ biến nhất (Nguyễn, Lê, Trần,…)
- Tên nào phổ biến (Hoa, Quyên, Hương,…)
- Đệm nào phổ biến (Thị, Lan, Ngọc,…)
Ngoài ra là những thông tin quan trọng khác nếu có thể.
Cập nhật: các thống kê về họ tên dựa trên mẫu lớn hơn, cùng với phần giải nghĩa đệm tên đã được tôi tích hợp vào website đặt tên cho con (bầu.com), mời các bạn tham khảo.
A. Mẫu
Dữ liệu mẫu tôi thu thập được là danh sách sinh viên nữ trúng tuyển của một trường đại học tại Hà Nội, gồm 8698 tên. Thời gian trúng tuyển qua 7 năm từ 2004 đến 2014, năm sinh phổ biến của đối tượng trong khoảng từ 1990 đến 1996.
Đặc điểm của mẫu này là nó có tính khu vực hơn là đại diện cho cả nước, ngoài ra tên cũng được xét trong khoảng thời gian không quá dài. Dĩ nhiên không thế không nhắc đến yếu điểm lớn nhất là mẫu còn quá nhỏ, tuy nhiên trong tình cảnh không có được mẫu tốt hơn tôi vẫn dùng nó để tìm hiểu, xem như là những gợi ý cho các nghiên cứu sau này.
B. Các kết quả
1. Những họ nào phổ biến nhất
10 dòng họ trên đã chiếm đến xấp xỉ 79% mẫu.
Cập nhật: tôi đã thực hiện thống kê quy mô hơn trong bài viết 100 họ phổ biến ở Việt Nam.
Sự áp đảo của dòng họ Nguyễn được cho là có ảnh hưởng một phần từ việc triều đại phong kiến cuối cùng là triều Nguyễn. Nhiều người đổi sang họ vua để được thuận lợi hơn.
2. Tên 2 chữ, 3 chữ, 4 chữ, 5 chữ
Kết quả vừa bất ngờ vừa không bất ngờ. Không bất ngờ ở chỗ tên 3 chữ phổ biến nhất, còn bất ngờ ở khía cạnh tên 4 chữ thực tế cũng cực kỳ phổ biến.
Thông tin cụ thể như sau:
Tên | Số lượng (tỷ lệ%) |
2 chữ | 7 (0,08%) |
3 chữ | 5643 (64,88%) |
4 chữ | 3046 (35,02%) |
5 chữ | 2 (0,02%) |
Tôi dự đoán rằng cách đặt tên như này sẽ khác khá nhiều so với nam, cụ thể tôi nghĩ tên 2 chữ ở nam sẽ phổ biến hơn nhiều so với nữ và tên 4 chữ ở nam thì ngược lại ít phổ biến hơn so với nữ.
Thống kê mới hơn cho thấy tỷ lệ tên 3 từ và 4 từ thời gian gần đây đã đảo lộn ở nhóm nữ trẻ hơn tại đô thị lớn. Như vậy tên nữ có xu hướng dài thêm, và thiên về việc sử dụng 4 từ.
3. Đệm là “Thị”
Có đến 52,46% tên người nữ có đệm là “Thị” trong mẫu của chúng tôi.
Tôi đoán rằng tỷ lệ này sẽ khác nhau khá lớn giữa tên 3 chữ và 4 chữ, với dự đoán tên 4 chữ sẽ có tỷ lệ dùng “thị” nhiều hơn. Kết quả như sau:
Số từ | Tỷ lệ dùng “Thị” |
3 từ | 32,91% |
4 từ | 88,80% |
Tên nữ 4 chữ dùng “Thị” cao đến bất ngờ. Tôi tin rằng ở nam tỷ lệ tên 4 chữ dùng “Văn” sẽ không cao được như vậy, thậm chí là ít hơn nhiều.
Cập nhật: thống kê quy mô hơn đã được thực hiện và mô tả đầy đủ trong bài viết 100 đệm phổ biến ở tên nữ giới Việt Nam.
Một bài viết khác liên quan: Nam Văn Nữ Thị trong họ tên người Việt.
4. Các đệm phổ biến ngoài “Thị”
Xét riêng tên 3 từ, trong số 5643 tên, tôi thấy chỉ có 136 đệm duy nhất, tỷ lệ 2,41% – tức là sự đa dạng rất thấp, mọi người sử dụng trùng đệm nhiều.
Đệm “Thị” như đã nói ở trên chiếm 32,91% trong nhóm này, 21 đệm ngay bên dưới cũng chiếm đến 52,72% tổng số.
Dưới đây là biểu đồ, trục tung là tỷ lệ %:
Đệm phổ biến nhất sau “Thị” là “Thu”.
Đáng ra phải thống kê thêm các đệm trong tên 4 chữ, sự liên kết của nó với “Thị”, nhưng tôi sẽ để dành nó trong thống kê quy mô hơn.
5. Các tên phổ biến
Người Việt trong giao tiếp thường nhật, khi gọi tên nhau thường chỉ gọi tên cuối dù tên có thể là tên ghép, như Nguyễn Ngọc Bích thì thường chỉ gọi là Bích, tương tự Lê Thư Thái hay Trần Hải Đăng, cũng sẽ chỉ gọi là Thái hoặc Đăng, tôi cho đó là vì lý do ngắn gọn.
Dưới dạng văn bản, trên báo chí người ta thường viết cả đệm, thí dụ “diễn viên Ngọc Bích”. Còn trong trường hợp trang nghiêm hoặc yêu cầu chính xác người ta mới viết cả họ cả tên như “Bà Nguyễn Ngọc Bích cho biết…”
Có một trường hợp phổ biến duy nhất mà người ta gọi cả đệm trong đời thường là những người tên Anh, vì tên này trùng với đại từ xưng hô chỉ ngôi trong tiếng Việt. Thí dụ bạn gái tên Lê Lan Anh thì sẽ được gọi là Lan Anh.
Trong thống kê này tôi chỉ xét đến tên cuối, tức là tên chính thức mà người ta gọi nhau trong cuộc sống đời thường (có ngoại lệ là tính cả tên Anh, mặc dù tên này như trên tôi có nói họ thường gọi cả đệm). Kết quả cho thấy tên trong mẫu của chúng tôi không quá đa dạng, chỉ có 319 tên duy nhất trên tổng số 8698 tên, tức là 3,67%, mọi người trùng tên rất nhiều. 10 tên phổ biến nhất đã chiếm đến hơn 40% cách đặt tên. Nhích đến 21 tên phổ biến nhất, nó chiếm hơn 62% cách đặt tên.
Các tên phổ biến nhất bao gồm:
Tên | Số lần tìm thấy (trong số 8698 tên) | Tỷ lệ % |
Anh | 688 | 7.91 |
Trang | 604 | 6.94 |
Linh | 569 | 6.54 |
Phương | 303 | 3.48 |
Hương | 298 | 3.43 |
Thảo | 293 | 3.37 |
Hà | 272 | 3.13 |
Huyền | 262 | 3.01 |
Ngọc | 251 | 2.89 |
Hằng | 212 | 2.44 |
Giang | 172 | 1.98 |
Nhung | 172 | 1.98 |
Yến | 171 | 1.97 |
Nga | 165 | 1.9 |
Mai | 154 | 1.77 |
Thu | 154 | 1.77 |
Hạnh | 145 | 1.67 |
Vân | 137 | 1.58 |
Hoa | 129 | 1.48 |
Hiền | 128 | 1.47 |
Cập nhật: tôi đã thực hiện thống kê quy mô hơn trong bài viết 100 tên nữ giới phổ biến ở Việt Nam.
Bình luận đã đóng.